Qua quan sát của PV Dân trí, trên diện tích khoảng 1 hecta, ngoài một khối nhà đứng sừng sững thì còn lại chỉ là bãi đất cỏ hoang mọc um tùm. Ngay phía trước và sau trường học, cỏ mọc cao lút đầu người trông hết sức hoang vu.
Trong khi đó, hầu hết các phòng học đều đã được xây hoàn chỉnh, bên trong phòng đã có gắn đèn, quạt nhưng mặt bằng thì trống trơn; hệ thống nước, phòng cháy chữa cháy bên ngoài cũng đã xong. Tuy nhiên, các phòng học đều bị khóa kín cửa, các ổ khóa thì bị rỉ sét do lâu ngày không được mở.
Có thể nói khi nhìn tổng thể thì công trình trường học này được xây dựng rất khang trang, nếu không nói là hơn hẳn nhiều ngôi trường đang có học sinh học ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, việc trường xây xong từ năm 2011 nhưng đến nay không có học sinh học thật sự quá lãng phí. Trong khi đó, ở tỉnh Bạc Liêu, có một số trường học đã cũ kỹ, đang xuống cấp rất cần được đầu tư xây dựng mới.
Làm việc với PV Dân trí về tình trạng của công trình trên, ông Lâm Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội cho biết, công trình này là Trường THPT Hưng Hội và hiện trạng như hiện nay đã hoàn thành từ năm 2011. “Việc xây trường này là tạo điều kiện cho con em địa phương đi học gần hơn”, ông Sơn nói lý do xây trường.
Tuy nhiên, ông Sơn cho hay, dù trường đã hoàn thành nhưng không có học sinh học là do không đủ số học sinh để mở lớp. “Từ năm học 2011- 2012, tỉnh có chủ trương mở lớp nhưng qua khảo sát thì số học sinh lớp 9 lên lớp 10 của hai xã Hưng Hội và Hưng Thành quá ít nên việc mở lớp phải dừng lại”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, một trong những lý do có ít học sinh là bởi địa bàn chỉ cách TP Bạc Liêu khoảng 5km nên nhiều gia đình có điều kiện đã cho con em họ ra thành phố học ở những trường tốt hơn. Ngoài ra, địa bàn có rất nhiều em là dân tộc thiểu số nên các em cũng đã ra Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh nằm ở huyện Hòa Bình để học. “Dù từ xã ra huyện Hòa Bình khá xa nhưng vì các em là người dân tộc khi học phổ thông bình thường thì không có chính sách gì nên các em đăng ký học ở trường phổ thông dân tộc nội trú để có chế độ hỗ trợ”, ông Sơn nói.
PV đặt vấn đề thêm, nếu không có đủ số học sinh để mở lớp thì xây trường này làm gì? Ông Sơn giãi bày rằng, địa phương chỉ là đơn vị thụ hưởng nên mọi vấn đề xây dựng liên quan đến công trình đều do tỉnh thực hiện. “Tôi cũng có nghe nói là công trình này không làm trường học nữa mà đã chuyển cho Sở LĐ - TB & XH tỉnh để làm một trung tâm bảo trợ xã hội gì đó chứ còn chuyển giao hay chưa thì tôi cũng không rõ”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Trác Văn Đây - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, hiện trạng của dự án Trường THPT Hưng Hội hiện nay được xây dựng và hoàn thành từ năm 2011 với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Ông Đây cho rằng, lẽ ra Sở sẽ tiếp tục xây dựng thêm nữa nhưng từ năm 2011, sau khi xây xong thì UBND tỉnh có chỉ đạo yêu cầu Sở GD-ĐT bàn giao công trình này cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh để làm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. “Khi có ý kiến chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã bàn giao, còn việc Sở LĐ-TB&XH nhận và làm gì cho đến nay thì chúng tôi cũng không rõ”, ông Đây cho biết thêm.
Clip công trình hoàn thành hơn 3 năm vẫn chưa được sử dụng:
(Thực hiện: Huỳnh Hải)
PV Dân trí cũng đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu về tình trạng công trình hiện nay, tuy nhiên lãnh đạo Sở này chưa có câu trả lời. Song, theo một số thông tin mà PV biết được, để làm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì ngành chức năng còn phải đầu tư thêm nhiều tỷ đồng để "sửa chữa lại" hiện trạng cho phù hợp với nơi nuôi dưỡng người già, trẻ em và những đối tượng xã hội khác.
Nếu vậy, việc quy hoạch một công trình trường học rồi sau đó lại tốn thêm tiền để chuyển công năng thành một công trình khác thì vấn đề quy hoạch của tỉnh này có quá lãng phí?
Huỳnh Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét